SaiGonNhoWeekly
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Tiên du mùa Xuân

Go down

Tiên du mùa Xuân  Empty Tiên du mùa Xuân

Post by Admin Tue Feb 14, 2017 5:42 pm

Tiên du mùa Xuân  Nstrun11

Trích và bình tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí.
BÀ CHÚA CHÈ
Kính gửi bạn đọc,
Tôi nhiều lần đọc bộ lịch sử tiểu thuyết Hoàng Lê Nhất Thống Chí — HLNTC. Tôi đọc HLNTC  lần thứ nhất năm 1960, năm tôi 30 tuổi. Tuổi đời nhiều hơn, có nhiều kinh nghiệm sống hơn, mỗi lần đọc lại HLNTC tôi càng thấy giá trị và sức hấp dẫn của HLNTC . Tác phẩm ngời ngời sức sống, lôi cuốn như nước dòng sông lớn. Tôi có ý định viết những cảm nghĩ của tôi khi đọc HLNTC. Mỗi kỳ báo tôi sẽ trích đăng một đoạn truyện HLNTC với Lời Bàn của tôi. Hôm nay xin gửi tới bạn bài BÀ CHÚA CHÈ.
Rừng Phong, Kỳ Hoa.
Hoàng Hải Thủy

Tiên du mùa Xuân  Img_0512
Bìa tiểu thuyết Bà Chúa Chè

Mời bạn đọc những trang đầu Hoàng Lê Nhất Thống Chí:
HỒI THỨ NHẤT
Đặng Tuyên Phi được yêu dấu, đứng đầu hậu cung.
Vương Thế Tử bị truất ngôi, ra ở nhà kín.
“Triều Lê Trang Tông Dụ hoàng đế — tức Vua Lê Trang tông, tên là Duy Ninh (1533 – 1548) — trung hưng cơ nghiệp ở sông Tất Mã. Bấy giờ Thế Tổ Minh Khang Vương Trịnh Kiểm làm phụ chính, giúp vua dẹp yên được đảng họ Mạc, Vua Lê trở về kinh đô cũ. Rồi tứ đó họ Trịnh đời đời nối tiếp tước vương, nắm giữ hết quyền bính trong tay, hoàng gia mỗi ngày một suy yếu.
Truyền đến đời Hiển Tông Vĩnh hoàng đế — Vua Lê — niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) thì Thánh tổ Thịnh Vương — Chúa Trịnh — chuyên quyền cậy thế, làm oai, làm phúc; vua Lê chỉ còn chắp tay, rũ áo ngồi làm vua bồ nhìn.
Thịnh Vương — tức Trịnh Sâm — là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán, sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài văn võ, đọc nhiều kinh sử, có tài viết văn, làm thơ. Từ khi Thịnh vương lên ngôi chúa từ những kỷ cương trong triều đến việc chính trị trong nước, hết thảy đều được sửa đổi; bao nhiêu tướng giặc, đảng nghịch đều bị dẹp tan. Chúa có cái chí muốn làm bá chủ, nào diệt giặc Trấn Ninh, nào phá bọn Công Chất.
Một hôm Tiệp dư Trần Thị Vinh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa tươi đến trước chỗ Chúa ngồi. Ả họ Đặng này quê ở làng Phù Đổng, mắt phượng, mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa thấy rất vừa mắt, bằng lòng, bèn tư thông với ả.
Từ đó Thị Huệ càng ngày càng được nhà Chúa yêu quý, ả nói gì Chúa cũng nghe, ả xin gì Chúa cũng cho, ngay cả đến những việc nước, Chúa cũng bàn với ả. Rồi ả được ở chung một chỗ với Chúa, sống gần nhau y như vợ chồng thường dân. Xe kiệu, đồ dùng của ả đều giống như của Chúa.
Thị Huệ được Chúa yêu thương, chiều chuộng nên trở thành lộng hành. Hễ có chuyện gì không vừa ý là ả xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng Chúa.
Chúa có một viên ngọc dạ quang, lấy được trong khi đi đánh dẹp phương Nam, vẫn xâu ở trên đầu khăn làm đồ trang sức. Một hôm Thị Huệ cầm xem viên ngọc, Chúa nói:
— Cẩn thận. Đừng làm ngọc xây xát.
Thị Huệ ném ngay viên ngọc, khóc:
— Quý báu gì cái này. Chẳng qua vào Quảng Nam kiếm trả Chúa viên khác là cùng. Sao Chúa nỡ trọng của mà khinh người như vậy ?
Rồi ả tự ý bỏ ra cung khác, từ chối không gập Chúa. Chúa phải dùng nhiều cách dỗ dành cho ả vui lòng, lúc ấy ả mới chịu làm lành với Chúa.
Đến khi Thị Huệ có mang, Chúa sai người đi lễ bái khắp các chùa, đền miếu trong nước để cầu sinh con thánh. Đến kỳ, vào năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 38 (1777) Thị Huệ sinh con trai. Chúa hết sức yêu mến đứa bé, lấy tên riêng của mình lúc nhỏ là Cán đặt cho con, tỏ ý muốn con sẽ giống mình.
Khoa thi Hương năm ấy Chúa lấy hai câu: “Sơn xuyên anh dục, hà hải tú chung” — nghĩa nôm: “Khí thiêng sông núi tụ lại, tốt đẹp hồ biển đúc nên“, ý chỉ Trịnh Cán — làm đề thi. Các quan văn võ đưa đón ý Chúa có người lấy bốn chữ “Tinh hưng, hải nhuận” — Sao sáng, biển hòa — làm câu chúc mừng Chúa.
Khi Vương tử Cán đầy tuổi tôi cốt cách, tướng mạo đẹp đẽ, sáng rỡ khác hẳn người thường. Đến khi biết nói Vương tử ăn nói gẫy gọn, đường hoàng không kém gì người lớn. Mỗi khi các quan văn võ vào thăm Vương tử tiếp đãi thật nghiêm chỉnh. Có người cách hàng năm mới gập lại Vương tử vẫn nhớ đúng họ tên, kể lại chuyện cũ vanh vách. Chúa sai quan từ hàn làm bài tụng 16 chữ để A Bảo dậy truyền miệng cho Vương tử. Vương tử chỉ nghe qua một lượt là thuộc liền. Thấy Vương tử Cán thông minh, Chúa càng yêu quý bội phần.
Do đó Thị Huệ nẩy ra ý định cướp ngôi Thế tử cho con mình…”.
“Khi Thế tử Tông lớn lên dung mạo rất khôi ngô nhưng cũng vẫn không được Chúa thương yêu.

Tiên du mùa Xuân  Nstrun13
Cảnh trong phim nói về Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ

Thế tử Tông thích võ nghệ, không thích đọc sách. Năm Thế tử lên bẩy, Chúa sai Nguyễn Khản, tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760), làm tả sư giảng, và Trần Thản, tiến sĩ khoa Kỷ sửu (1769) , làm hữu tư giảng, giảng dậy kinh điển cho Thế tử. Nhưng chẳng bao lâu Thản chết, còn Khản thì được Chúa tin dùng, phải quán xuyến nhiều công việc, nên không mấy khi đích thân đến giảng dậy cho Thế tử. Chỉ có năm bẩy viên tùy giảng dậy Thế tử học mà thôi. Chuyện đó Chúa cũng có biết nên lại càng không bằng lòng.
Theo lệ, Thế tử nối ngôi hễ đến mười hai tuổi thì phải ra ở Đông cung . Bấy giờ các quan có tâu trình việc ấy, song Chúa không cho, bắt Thế tử ra ở nhà riêng của Quan A Bảo là Hân Quận Công Nguyễn Đĩnh. Như vậy ngôi Đông Cung vẫn bỏ trống, như có ý chờ đợi người khác.
Đến năm Thế Tử Tông mười lăm tuổi thì Vương tử Cán ra đời. Chúa càng ngày càng yêu dấu Vương tử Cán. Ba năm nữa Thế tử Tông mười tám tuổi. Theo lệ Thế tử được mở phủ riêng, nhưng lúc đó các quan chẳng ai dám nhắc đến chuyện này mà Chúa thì làm như quên luôn.
Như thế là người nối ngôi Chúa vẫn chưa được định, lòng người phân vân. Trong phủ Chúa sinh ra hai đảng : đảng phò Thế tử Tông, đảng theo Đặng Thị Huệ phò Vương tử Cán.
Thị Huệ thấy Thế tử Tông đã khôn lớn còn con mình quá nhỏ nên cố mua chuộc lòng người để gây thế lực.
Khi ấy Huy quận công Hoàng tố Lý — trước tên là Hoàng Đăng Bảo — đang được Chúa trọng dụng, nắm quyền quân sự. Huy quận công và Đặng Thị Huệ liên kết với nhau.
Ngưng trích.
Bà Chúa Chè trên Internet
Xuất thân nghèo khó làm nghề hái chè mưu sinh kiếm sống nhưng nhờ có sắc đẹp nhất vùng nên bà Đặng Thị Huệ được tiến vào phủ Chúa.
Nếu lịch sử Trung Quốc có từ nghiêng nước nghiêng thành để chỉ những phụ nữ xinh đẹp khiến đất nước chao đảo như Hỷ Muội thời vua Kiệt nhà Hạ, Đát Kỷ thời vua Trụ nhà Thương hay Bao Tự thời vua U Vương nhà Chu thì có thể liệt Đặng Thị Huệ vào trong số đó.
Đặng Thị Huệ quê ở làng Trà Hương, huyện Phù Đổng, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bà xuất thân nghèo khó làm nghề hái chè mưu sinh kiếm sống. Nhưng nhờ có sắc đẹp nhất vùng nên được tiến vào phủ Chúa.

Tiên du mùa Xuân  20156613
Phim “Đêm hội Long Trì” nói về Đặng Thị Huệ

Vì xuất thân hèn kém nên ban đầu Thị Huệ chỉ là nữ tỳ. Một hôm, Tiệp dư Trần Thị Vịnh sai bà bưng một khay hoa đến trước nơi chúa Trịnh Sâm ngồi. Trịnh Sâm nhìn thấy bà rất bằng lòng, bèn ân ái với bà. Từ đó bà ngày càng được Trịnh Sâm yêu quý, phong làm chính cung của mình, gọi là Tuyên Phi.
Tĩnh đô vương Trịnh Sâm là con của Minh Vương Trịnh Doanh. Trong số các chúa Trịnh thì có thể coi Trịnh Sâm là Chúa giỏi khi võ công văn trị đủ cả. Về tài văn chương thì Trịnh Sâm nổi tiếng là người hay chữ. Gia phả Trịnh tộc có chép Tĩnh Vương từ nhỏ đã có tiếng giỏi thơ hay chữ, làm thơ từ năm 14 tuổi – đã cùng Ngô Thì Sĩ đối đáp. Đựơc biên soạn thành bộ Tâm thanh tồn duỵ tập – Tiếng cõi lòng gìn giữ và luyện tập. (gồm 4 quyển, thơ chữ Hán và chữ Nôm).
Về võ công thì Trịnh Sâm làm được điều mà các chúa Trịnh nổi tiếng là giỏi trước đây như Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Doanh trước đây không làm nổi là vượt sông Gianh đánh chiếm tận đô thành của chúa Nguyễn.
Nhiều sử gia than rằng nếu Thịnh Vương Trịnh Sâm mà sống thọ được như Khang Vương Trịnh Căn thì sử phong kiến của Việt Nam có thể viết sang trang khác (ám chỉ việc nhà Trịnh có thể nhất thống sơn hà).
Nhưng cũng phải thấy rằng từ sau khi lấy được Thuận Hóa thì Trịnh Sâm bỏ bê chính sự, si mê Đặng Thị Huệ. Thời gian đầu lên ngôi Chúa, Trịnh Sâm sáng suốt, sửa sang chính trị bao nhiêu thì sau khi sủng ái Đặng Thị Huệ, Thịnh Vương lại càng u mê bấy nhiêu. Bởi vậy, chính trị suy đồi, nơi kinh đô lắm lời than vãn. Nếu không phải vì bị Đặng Thị Huệ dùng sắc đẹp quyến rũ thì Trịnh Sâm vẫn là minh chúa và việc đánh chúa Nguyễn, thống nhất sơn hà cũng dễ thành. Còn việc Trịnh Sâm khi 30 tuổi vẫn tráng kiện lên ngôi Chúa rồi mất vì tửu sắc khi mới 44 mà không trách Đặng Thị Huệ thì biết trách ai.
Đặng Thị Huệ có người em là Đặng Lân nhờ cậy thế chị nên làm nhiều điều bại hoại trong kinh thành. Trong cuốn Tang Thương Ngẫu Lục của Nguyễn Án có chép: “Quận mã Đặng Lân là em bà Đặng Tuyên phi của chúa Tĩnh Vương (Trịnh Sâm), thường hay ngông càn phạm phép. Y cưỡng gian một người đàn bà không được bèn cắt vú người ta. Người chồng kiện đến quan, y bị bắt giam ở ngục Ngự sử đài rồi vì có Phi xin cho mà được tha. Tĩnh vương đem nàng Quận chúa thứ hai gả cho Lân, các đồ trang liêm và của hồi môn, so với các triều trước nhiều gấp mười lần.
Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí có viết đoạn cuối cuộc đời Đặng Thị Huệ như sau:
“Khi Chúa nhỏ bị bỏ, Thái phi (mẹ của Trịnh Tông) liền sai người bắt Tuyên phi hạch tội, rồi buộc bà phải lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy, Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất, nhưng bà vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa lời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ Tăng ở vườn sau. Tại đây, Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở. Một bữa, bà trốn ra khỏi cửa Tuyên Vũ, chạy đến bến đò phố Khách thì bị quân lính đuổi kịp…
Sau một thời gian giam giữ ngặt, Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Ở đây, bà ngày đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuốc độc mà chết, được táng cách Vọng lăng (lăng Trịnh Sâm) một dặm”.
Lưu ý cách gọi tên các nhân vật lịch sử trong bài viết:
Trịnh Sâm có tước hiệu là Tĩnh Đô Vương (hay Tĩnh Vương), miếu hiệu là Thịnh Vương.
Đặng Thị Huệ được phong là Tuyên Phi.

Lời bàn của Công Tử Hà Đông:
Ngay trang đầu của Hoàng Lê Nhất Thống Chí đã thấy xuất hiện nữ nhân vật Đặng Thị Huệ. Những năm 1940 ta có quyển tiểu thuyết lịch sử nhan đề “Bà Chúa Chè” — dường như tác giả Bà Chúa Chè là ông Phan Trần Chúc. Đặng Thị Huệ người làng Phù Đổng, làng của Đức Thánh Gióng ngựa sắt, thương sắt, đánh giặc Ân ngày xưa. Làng Phù Đổng nằm ngay bên bờ đê sông Đuống. Quanh đó là ba bốn làng mang tên Phù : Phù Lưu, Phù Dực và Phù Chẩn. Đặc biệt làng Phù Chẩn có tên nôm là Làng Cháy. Tục truyền khi Thánh Gióng mặc giáp sắt, cầm cây thương sắt, nhẩy lên lưng ngựa sắt, thúc ngựa đi đánh giặc Ân, con ngựa sắt chồm lên, hí một tiếng lớn; lửa từ họng ngựa sắt phun ra làm cháy làng Phù Chẩn ở cách đó một cánh đồng. Từ đó làng Phù Chẩn có tên là Làng Cháy.
Phù Chẩn, Phù Đổng, Phù Lưu, Đình Bảng… Những tên làng gợi cho tôi nhớ lại những năm tháng xanh xưa khi tôi mới mười lăm, mười sáu tuổi tôi tham gia kháng chiến chống Pháp ở vùng đất ngày xưa có cái tên thơ mộng là Kinh Bắc. Tôi từng sống trong hai làng Phù Đổng, Phù Chẩn, từng nhiều lần một mình tha thẩn vào chơi trong đình làng Phù Đổng. Đình làng thật lớn, có cặp rắn xanh cũng thật lớn thường nằm vắt trên nhữnng cây xà đình trông dễ sợ. Hội Gióng là một hội lớn trong vùng. Tôi không được dự hội lần nào. Những năm thanh bình trước 1945 mỗi năm làng mở hội vào mùa Xuân, tôi sống ở Hà Đông, và tôi còn nhỏ không được về quê để tối đến theo các anh em trong làng qua sông Đuống sang chơi Hội Gióng. Những năm kháng chiến tôi sống ở Kinh Bắc, lại sống ngay trong làng Phù Đổng nhưng đang thời chiến tranh — phi cơ Spitfire từ phi trường Gia Lâm bay lên chỉ bay nhấp nháy mấy phút là tới Tiên Du, Từ Sơn — làng Gióng không thể mở hội, dù là hội đêm.
Những làng Phù Đổng, Phù Chẩn, Phù Lưu, Đình Bảng thời tôi sống ở đó thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ làng Phù Đổng đi xuôi theo dòng sông Đuống — một chi nhánh của sông Hồng: Ai về bên kia sông Đuống.. Có nhớ từng khuôn mặt búp sen. Những cô hàng xén răng đen.. Cười như mùa thu tỏa nắng.. Hoàng Cầm — đi về hướng đông chừng năm bẩy cây số là sang địa phận huyện Tiên Du. Ông cha ta nói cảnh sắc nơi này đẹp đến nỗi các nàng tiên chính cống trên trời phải xuống chơi. Vì vậy đất này có tên là Tiên Du.
Tiên Du có núi Trà. Người Bắc gọi trà là trè, hoặc chè. Cái tên Bà Chúa Chè được người đời — không biết người đời Lê Trịnh những năm 1770 – 1800, những người sống cùng thời với bà Chúa, hay người đời sau, những người thế hệ ông Phan Trần Chúc — 1900 – 1950 — đặt cho. Điều ta biết chắc là vì Đăng thị Huệ , tức Đặng Tuyên phi, là người làng Phù Đổng, và làng Phù Đổng ở gần Núi Chè, nên Tuyên phi được gọi là Bà Chúa Chè.
Tiên Du, Bắc Ninh.. Địa danh này có gợi cho bạn nhớ đến chuyện gì không ? Tôi nhớ chuyện Từ Thức gập nàng tiên nữ Giáng Tiên trong huyền thoại tình sử của ta. Nàng tiên nữ Giáng Tiên có nhiều tên: lúc thì Giáng Tiên, lúc thì Giáng Hương, lại có lúc là Giáng Kiều. Như đã nói Giáng Tiên là tiên nữ. Ngày Hội Hoa được tổ chức ở một ngôi chùa Tiên Du nàng hiện thân xuống chơi ở vùng đất có ngọn Núi Trà thơ mộng. Chuyện xưa kể rằng Giáng Tiên vô ý làm gẫy cành hoa mẫu đơn của nhà chùa. Nàng bị nhà chùa bắt đền. Là tiên nữ nàng làm gì có tiền mà đền hoa cho nhà chùa! Nàng bị nhà chùa giữ lại. Nghe nói còn cả trói lại nữa! Từ Thức là quan huyện Tiên Du đến chơi Hội Hoa. Chàng cởi áo hồ cừu đang mặc đưa cho nhà chùa để chuộc tội cho Giáng Tiên. Rồi một chiều thu xanh chàng chèo thuyền ra biển, lên được Bồng Lai, hòn đảo trôi bềnh bồng giữa biển, chàng gập lại Giáng Tiên và kết duyên chồng vợ với nàng. Sống hạnh phúc với Giáng Tiên ở Bồng Lai được một thời gian Từ Thức nhớ quê hương, chàng trở về trần thế. Thời gian chàng sống với Giáng Tiên trên tiên cảnh chỉ là năm, mười năm nhưng thời gian ở dưới trần đã là cả trăm năm. “Từ Thức Việt kiều Yêu Nước Ngoài” ngơ ngáo về thăm quê hương. Nhưng về tới quê chàng chán ngắc vì quê nhà đã đổi khác, quê nhà không còn là quê nhà thời chàng sống ở đó, những người thân của chàng đã chết hết. Chàng chán đời muốn trở lại Bồng Lai nhưng giấy ReEntry Permit của chàng đã hết hạn. Đoạn cuối chuyện tình kể rằng Từ Thức một mình đi vào núi rồi không ai biết chàng đi đâu…
Phạm Thiên Thư:
Ngày xưa có gã từ quan..
Lên non tìm động hoa vàng, ngủ say…
Thôi thì thôi, đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra đến bên cầu nước xuôi.
Sông này chẩy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông …
Ở Thanh Hóa có Động Bích Đào. Tục truyền Từ Thức đi đến Động Bích Đào và mất tích từ động này. Người đời sau còn gọi Động Bích Đào là Động Từ Thức. Ông Lê Quý Đôn đến chơi Động Bích Đào, nhớ chuyện Từ Thức, làm bài thơ Đề Động Từ Thức. Những năm 1980, 1981 đen hơn lá đa ca dao, đen hơn mõm chó mực, sống mỏi mòn ở khu ngã ba Ông Tạ thân thương, tôi dịch bài thơ chữ Hán của Lê Quý Đôn ra thơ Việt. Rất tiếc trong tập bản thảo tôi giữ được, tôi mang được theo tôi đến Rừng Phong, Xứ Mẽo, quê người Mẽo, chỉ có bài thơ dịch của tôi, không có bài thơ chữ Hán của Lê Quý Đôn. Có còn hơn không, đúng hơn là có ít còn hơn không có gì, tôi viết bài thơ ấy ra đây bạn đọc chơi cũng chẳng hại gì:

Tiên du mùa Xuân  Anh112
Cõi tiên của Từ Thức.

Đề Động Từ Thức
Thần tiên trên biển chuyện hoang đường.
Bích Đào động ấy cảnh thê lương
Đất trời một áo đau Từ Thức
Mây nước đôi hàng khổ Giáng Hương.
Trống đá nhiều lời khua nắng sớm,
Muối rêu không vị đẫm thu sương.
Người đời ôm mộng Thiên Thai khổ,
Ai biết Thiên Thai chuyện vẩn vương..!
Tôi còn nhớ được mấy câu trong bài Thơ Chữ Hán của Lê quí Đôn:
Càn khôn nhất hạt cùng Từ Thức
Vân vũ song nga lão Giáng Hương
…..
Thế nhân khổ tác Thiên Thai mộng,
Thùy thức Thiên Thai diệc hí trường.
Ý Lê bảng nhãn muốn nói: “Chuyện Thiên Thai là chuyện vẩn vương. Làm gì có cõi tiên mà người đời ôm mộng được đến để ngàn năm sống mãi..” Nhưng… Lê bảng nhãn dù là nhà khoa bảng, là học giả thứ thiệt, ông cũng chỉ là người như chúng ta. Cũng như chúng ta ông không, hay ông chưa, thoát ra được cõi đời này, làm sao ông biết — biết chắc chắn, biết chắc như bắp rang, chắc như cua gạch, chắc như gỗ lim — rằng ở ngoài cõi đời này có hay không có một hay nhiều cõi đời khác ??? Chúng tôi cũng biết như ông là — có thể — không có cõi Tiên, không có Non Bồng, nước Nhược, không có Niết Bàn, Thiên Đàng chi cả, nhưng dù không có ta cứ tưởng tượng là có, ta đỡ khổ hơn. Nếu có càng tốt, không có cũng chẳng sao. Tại sao ta lại cứ phải nhất định nói là không có ?
Trở lại với chuyện Giáng Tiên bị rắc rối ở một ngôi chùa nào đó trên núi Trà, huyện Tiên Du, ta thấy chuyện có vài chi tiết làm ta théc méc:
— Nhà chùa nào ác ôn côn đồ đến cái độ thiện nam, tín nữ đến vãn cảnh chùa chỉ làm gẫy của nhà chùa có một cành hoa — hoa mà lại là hoa mẫu đơn, quí báu gì, mùa xuân vườn đất Bắc kỳ có cả đống hoa mẫu đơn — mà nhà chùa làm dữ như là người ta đánh bom phá chùa, nằng nặc bắt đền tiền và khi người ta — người ta đây lại là con gái chưa chồng — không có tiền đền, bắt trói người ta ??? Tôi không tin là ngày xưa có nhà chùa nào ở huyện Tiên Du làm cái trò ma tịt, ma bùn quá đáng ấy.
— Nhưng… cứ cho là có nhà chùa hổ mang, hổ lửa làm cái trò ma tịt như thế đi thì Từ Thức là quan huyện — đã là quan huyện mà còn là quan huyện sở tại, quan huyện tại chỗ, quan huyện chính huyện Tiên Du — quan đến chùa chơi Hội Hoa Xuân, thấy nhà chùa bắt giữ gái đẹp quan động lòng trắc ẩn, quan can thiệp… Thì quan chỉ nói một tiếng:
“Thôi.. Nhà chùa hỉ xả thả cho người ta đi..”
là nhà chùa thả liền tút suỵt. Làm gì đến nỗi Quan Huyện — Từ Huyện lệnh oai như hạch chứ bộ — phải cởi áo vét Quan đang bận trao cho nhà chùa giữ với lời hẹn sẽ về huyện lấy tiền mang đến chuộc áo?

CTHĐ

Admin
Admin

Posts : 49
Join date : 2017-02-14

https://sgnnews.board-directory.net

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum